Với mục tiêu xem xét thực trạng đầu tư cho đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường của doanh nghiệp, tình hình thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường, từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách, trong khuôn khổ Dự án “Đánh giá thực trạng tình hình đầu tư cho đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường của doanh nghiệp Việt Nam”, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã thực hiện khảo sát 357 doanh nghiệp (DN) tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên. Các tỉnh được lựa chọn có sự phát triển tương đối về kinh tế - xã hội và là các tỉnh có công nghiệp phát triển, có nhiều KCN, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) được quan tâm. Đây là yếu tố để có thể đánh giá và nhìn nhận toàn diện hơn các vấn đề về việc đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện môi trường trong DN Việt Nam.
Khảo sát đã cho kết quả bước đầu về thực trạng đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường tại các DN Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, số lượng DN khảo sát nhỏ, do đó cần thận trọng trong việc suy rộng kết quả.
Trong Chương trình nghị sự 21 về Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam ban hành theo Quyết định 153/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/8/2004:
“Công nghệ thân thiện môi trường là những công nghệ bảo vệ môi trường, ít gây ô nhiễm hơn, sử dụng mọi nguồn tài nguyên theo hướng bền vững hơn, tái chế được nhiều sản phẩm và phế thải và xử lý rác thải dư thừa một cách hợp lý hơn so với những công nghệ mà nó thay thế”.Theo Điều 3 Chương I Nghị định 04/2009/NĐ-CP về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT:
“Công nghệ thân thiện với môi trường là công nghệ được áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu và tiêu dùng mà trong quá trình hoạt động, sử dụng gây hại ít hơn cho môi trường so với công nghệ tương tự và sản phẩm được tạo ra từ công nghệ đó là sản phẩm thân thiện với môi trường.”; “Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm mà trong quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, tồn tại, sử dụng và sau khi thải bỏ gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm cùng loại và được cấp nhãn sinh thái của tổ chức được Nhà nước công nhận.”.
Trong số 357 DN được khảo sát, có 9% DN nhà nước (DNNN); 25% DN đầu tư nước ngoài (FDI), 68% DN ngoài nhà nước; xét theo quy mô, gồm 64% DN nhỏ và siêu nhỏ; 16% DN vừa và 19% DN lớn. Các DN được lựa chọn ngẫu nhiên trong các DN ngành công nghiệp chế biến – chế tạo (ngành C theo phân ngành cấp 1 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam) vì đây là ngành có ảnh hưởng gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất và yêu cầu đổi mới công nghệ thân thiện môi trường lớn nhất.
Thực trạng chi đầu tư cho BVMT của DN
Đầu tư và chi phí thường xuyên cho BVMT chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng chi đầu tư và chi phí sản xuất, kinh doanh của DN
Khoảng 40% DN khảo sát phản hồi có đầu tư cho hoạt động BVMT và có chi phí thường xuyên cho BVMT. Trong số các DN có hoạt động đầu tư BVMT thì 74% số DN có tỷ lệ chi phí đầu tư cho hoạt động BVMT nhỏ hơn 10% so với chi phí đầu tư ban đầu của DN. Trung bình tỷ lệ chi phí thường xuyên cho hoạt động BVMT của các DN chỉ chiếm khoảng hơn 1% so với tổng chi phí sản xuất, kinh doanh.
Tỷ lệ DN đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất còn ít và công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất
Kết quả trong số các DN khảo sát, chỉ có khoảng 1/3 số DN có đầu tư đổi mớicông nghệ từ năm 2000 đến nay. Thời điểm năm 2000 được lựa chọn làm mốc để xác định do công nghệ DN đầu tư đổi mới trước năm 2000 thường là công nghệ cũ, khó có thể thuộc công nghệ thân thiện với môi trường. Trong số các DN có đầu tư đổi mới công nghệ, xét theo quy mô DN, quy mô vốn đầu tư trung bình cho đổi mới công nghệ của các DN nhỏ và siêu nhỏ ở mức 4,27 tỷ đồng; DN vừa là 26,93 tỷ đồng; và DN lớn là 30,61 tỷ đồng. Tuy nhiên, do mẫu khảo sát nhỏ nên cần rất thận trọng khi so sánh việc đầu tư theo quy mô. Tỷ lệ số DN nhỏ và siêu nhỏ có đầu tư đổi mới công nghệ trong số DN nhỏ và siêu nhỏ được khảo sát chỉ có 26%, DN vừa là 37,3%, trong đó trên 57% DN lớn có đổi mới công nghệ. Các DN nhỏ và vừa luôn gặp khó khăn về vốn, đây có thể là lý do tỷ lệ các DN nhỏ và vừa đầu tư đổi mới công nghệ thấp hơn so với các DN lớn.
Khảo sát đặc điểm của công nghệ để xét xem công nghệ đó có thân thiện với môi trường hay không, kết quả nhiều DN cho biết họ nhập khẩu công nghệ từ Trung Quốc (chiếm đến gần 40% số DN có đầu tư đổi mới công nghệ), còn lại là công nghệ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Trong số các DN cho biết có đổi mới công nghệ thì khoảng trên 90% DN cho biết máy móc, thiết bị nhập khẩu là mới 100%, còn lại khoảng dưới 10% là đã qua sử dụng. Kết quả sát với thực trạng các DN Việt Nam nhập khẩu phần lớn máy móc thiết bị từ Trung Quốc đã kéo dài nhiều năm. Hiện nay, theo Tổng cục Hải quan, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp máy móc, thiết bị cho Việt Nam với trị giá 5,81 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2016. Chất lượng công nghệ của máy móc, thiết bị từ thị trường này luôn là vấn đề “đau đầu” của các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt trong bối cảnh hướng tới sản xuất “sạch” như hiện nay.
Tình hình đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện môi trường của DN từ năm 2000 đến nay
Tỷ lệ DN có đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện môi trường chiếm tỷ trọng khá thấp
Trong số 357 DN được khảo sát, có khoảng 22% trả lời có đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường. Số DN đầu tư cho công nghệ thân thiện với môi trường chưa nhiều. Để tìm hiểu nguyên nhân tại sao chưa có nhiều DN đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường, chúng tôi cũng phỏng vấn lý do DN đầu tư hoặc không đầu tư vào công nghệ này. Điều này sẽ được đề cập ở phần sau.
Bên cạnh đó, DN cũng được hỏi có đầu tư cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) cho công nghệ thân thiện với môi trường hay không thì chỉ có rất ít (13%) có đầu tư cho hoạt động này và thường là những DN lớn và có nguồn lực tài chính mạnh.
Trong đó, xét tỷ lệ DN có đầu tư đổi mới công nghệ theo từng quy mô DN, khối DN lớn có tỷ lệ cao hơn hẳn so với khối DN vừa, DN nhỏ và siêu nhỏ. Xét theo tỷ lệ DN có đầu tư đổi mới công nghệ trong từng loại hình DN thì kết quả cho thấy tỷ lệ DNNN (50%) và DN FDI (24%) đầu tư đổi mới công nghệ cao hơn so với khu vực DN ngoài nhà nước (16%). Trên thực tế, các DNNN đầu tư công nghệ theo chương trình mua sắm của Chính phủ, định hướng đổi mới có thể sẽ sử dụng các công nghệ cao, công nghệ “xanh” thân thiện với môi trường. Các DN FDI hoạt động trong các KCN thường phải chấp hành các yêu cầu khắt khe hơn về môi trường, nên việc đầu tư công nghệ thân thiện được quan tâm hơn. Trong khi các DN ngoài nhà nước chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, thường khó đầu tư công nghệ với chi phí quá lớn.
Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN tăng lên sau khi thay đổi công nghệ thân thiện môi trường
Hiệu quả tích cực từ đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường của các DN khảo sát trùng với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hương Quỳnh (2013)[1], nghiên cứu cho rằng việc các DN đầu tư thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn sẽ giúp mỗi DN tiết kiệm được tổng chi phí, giảm được hàng triệu mét khối nước và kWh năng lượng tiêu thụ hàng năm.
Bên cạnh lợi ích về hiệu quả sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường còn đem lại nhiều giá trị tăng thêm cho DN, đó là tạo ra lợi thế cạnh tranh, mang lại hình ảnh cho DN và phát huy trách nhiệm xã hội (trên 70% DN trả lời).
Bên cạnh lợi ích về hiệu quả sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường còn đem lại nhiều giá trị tăngthêm cho DN, đó là tạo ra lợi thế cạnh tranh và mang lại hình ảnh cho DN (77%) và phát huy trách nhiệm xã hội (trên 82%).
Tuy nhiên, chưa đến một nửa số DN cho rằng, việc đầu tư đổi mới này đem lại hiệu ứng tích cực từ phía người tiêu dùng. Như kết quả ở trên cho thấy, chỉ một phần nhỏ DN có sản phẩm được dán nhãn sinh thái, việc quan tâm đến sản phẩm có thân thiện với môi trường hay không chưa thực sự được cả DN lẫn người tiêu dùng quan tâm. Điều này đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhận thức về môi trường không chỉ cần thiết đối với DN, mà còn đối với người tiêu dùng. Hành vi và thái độ người tiêu dùng có những tác động không nhỏ đến hoạt động đầu tư và phát triển sản phẩm của DN, nếu người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm có dán nhãn sinh thái hoặc những sản phẩm thân thiện với môi trường hơn thì buộc DN sẽ phải quan tâm đến khía cạnh này để lựa chọn hướng đầu tư phát triển của họ.
Nguyên nhân quyết định đầu tư hay không đầu tư cho công nghệ thân thiện môi trường của DN
Đối với các DN có đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường, kết quả khảo sát cho thấy, nguyên nhân DN quyết định đầu tư đổi mới công nghệ trước tiên là nhằm BVMT. Bên cạnh đó, các DN cũng nhận thức được lợi ích của việc đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường như nâng cao uy tín và thương hiệu (hơn 70% DN có đầu tư), làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm của DN (60%), và các lợi ích khác như giảm chi phí (57% DN), tăng lợi nhuận (56% DN). Có khá nhiều DN đầu tư đổi mới công nghệ do phải tuân theo quy định của pháp luật (60%). Ví dụ trong các KCN, KCX, yêu cầu tối thiểu về môi trường có tác động nhất định đến các DN, khiến các DN phải đầu tư công nghệ ít gây hại với môi trường để đảm bảo yêu cầu tối thiểu này.
Đối với những DN không đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường, có nhiều lý do họ không đầu tư cho hoạt động này. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất phải kể đến là do công nghệ thân thiện với môi trường có chi phí đầu tư ban đầu lớn, đa số các DN ở Việt Nam là DN nhỏ và vừa nên không phải DN nào cũng có đủ nguồn lực, trong khi nguồn vốn huy động cho hoạt động này còn hạn chế. Tiếp đến là DN không có thông tin về công nghệ thân thiện môi trường trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm của DN. Các công nghệ xanh hay công nghệ thân thiện môi trường trênthế giới đã được quan tâm nghiên cứu và phát triển trong thời gian qua. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những thông tin, hoạt động R&D và các nhà cung cấp công nghệ này chưa thực sự phổ biến. Các nguyên nhân tiếp theo là công nghệ phức tạp, khó ứng dụng; thiếu nhà cung cấp thiết bị/công nghệ thân thiện môi trường; thiếu nhân lực trình độ cao để ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường vào sản xuất, chi phí vận hành thường xuyên lớn… Một số nhỏ DN không đầu tư công nghệ do DN cho rằng công nghệ đầu tư ban đầu của họ đã tối ưu hóa ngay từ ban đầu, hiện chưa có công nghệ tiên tiến hơn.
Nguồn huy động vốn đầu tư cho công nghệ thân thiện môi trường của DN chủ yếu từ nguồn vốn tự có
Đối với nguồn tài chính cho việc đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường, gần 90% DN có đầu tư trả lời sử dụng nguồn vốn tự có, 37% vay từ các ngân hàng thương mại, 4% huy động vốn từ bạn bè và người thân và không có DN nào trong các DN được khảo sát nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ các Quỹ BVMT, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Kết quả này cũng tương tự như điều tra của Nguyễn Thị Minh Huệ (2016)[2] cho thấy chưa nhiều DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để thực hiện dự án đầu tư xanh. Tài chính “xanh” là vấn đề đang được quan tâm hiện nay, tiếp cận các định chế tài chính là một trong những kênh huy động nguồn lực quan trọng thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững hướng tới trong tương lai.
Như đã đề cập ở trên, lý do quan trọng DN chưa lựa chọn đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường là do chi phí ban đầu quá lớn. Do đó, vai trò của các ngân hàng và tín dụng cho hoạt động này cần được đẩy mạnh trong thời gian tới mới có thể thúc đẩy hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường của DN.
Tóm lại, kết quả khảo sát cho thấy, về nhận thức, các DN chưa thực sự ý thức coi việc đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường là xu hướng và là cơ hội kinh doanh mang lại những lợi ích cho DN, do vậy, DN chưa quan tâm nhiều đến thông tin về công nghệ này. Trên thực tế, cũng chưa có nhiều DN đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường, mặc dù những DN có đổi mới đã cho thấy hiệu quả và lợi ích đem lại. Trong khi nguyên nhân lớn nhất khiến DN chưa đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường là do chi phí ban đầu quá lớn thì nguồn tài chính huy động cho hoạt động này chưa phát triển ở Việt Nam. Hiện vẫn còn thiếu cơ chế, động lực và quy định rõ ràng về tài chính, ngân hàng nhằm phát triển sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường của DN.
Quý khách tham khảo thiết bị Công ty Cung cấp:
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét